Bảo vệ “ví tiền” an toàn hơn bằng đối chiếu thông tin sinh trắc học

Thứ ba - 29/10/2024 21:48 68 0
Kể từ ngày 1/7/2024, các giao dịch thanh toán trực tuyến từ 10 triệu đồng/ lần, từ 20 triệu đồng/ngày phải được xác thực bằng thông tin sinh trắc học. Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin sinh trắc học. Việc thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm là cách để bảo vệ "ví tiền" an toàn hơn.

Sinh trắc học giảm thiểu rủi ro lừa đảo

Lừa đảo và gian lận trên không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Không chỉ tại Việt Nam mà thực trạng này đã trở nên báo động trên toàn thế giới, ngay cả tại những nước có nền kinh tế phát triển. Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang của Hoa kỳ (Federal Trade Commission - FTC) đã có 2,6 triệu báo cáo về gian lận, lừa đảo thanh toán vào năm 2023, với tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, theo thông tin của Bộ Công an công bố tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức ngày 13/5/2024, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng năm 2023 khoảng từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.

Những đổi mới, tiến bộ công nghệ thanh toán thời gian qua một mặt giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện nhưng mặt khác cũng có thể dẫn tới sự “đánh đổi” về an ninh, an toàn dịch vụ, nhất là khi khách hàng không được phòng bị tốt kiến thức, kỹ năng giao dịch an toàn và có lớp “phòng thủ” công nghệ hỗ trợ đắc lực hơn. Để tìm sự cân bằng giữa nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, bảo mật dịch vụ là bài toán khó. Song dù khó vẫn phải giải bài toán này, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp có sự dịch chuyển mạnh và nhanh trên môi trường số và các tác nhân xấu, tôi phạm công nghệ cũng có sự chuyển hướng tương tự.

hieu007720240626164005
Sau 3 tháng triển khai thực hiện sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến số lượng vụ lừa đảo giảm đáng kể

Để bảo vệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt hơn trước tình trạng lừa đảo, gian lận qua mạng mà vẫn tối ưu “trải nghiệm” người dùng dịch vụ, lãnh đạo NHNN đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ là triển khai áp dụng đối chiếu thông tin sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định các giao dịch thanh toán trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần, từ 20 triệu đồng/ngày phải được đối chiếu thông tin bằng thông tin sinh trắc học, có hiệu lực từ 1/7/2024.

Chỉ sau 01 tháng triển khai, Quyết định 2345/QĐ-NHNN đã khẳng định là quyết định đúng đắn thể hiện qua những con số “biết nói”. Chỉ trong tháng 8/2024, số vụ việc gian lận trên toàn ngành ngân hàng được ghi nhận chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50% so với trung bình của 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận được sử dụng trong tháng 8 chỉ còn khoảng 682 tài khoản, giảm khoảng 72% so với số lượng trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Còn sau hơn 3 tháng triển khai, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo, gian lận trong tháng 8 và tháng 9. Việc áp dụng quy định này đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo chính chủ khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản, thẻ, ví mua, bán, thuê, mượn của các đối tượng lừa đảo.

Tạo bức “tường thành” bảo vệ “ví tiền” cho khách hàng

Tiếp theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, NHNN kịp thời ban hành hàng loạt các Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử như Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN, Thông tư 40/20024/TT-NHNN. Một trong các điểm mấu chốt của 03 Thông tư này là nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng trước hành vi gian lận, lừa đảo; theo đó, kể từ ngày 01/01/2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân phải đối chiếu thông tin thông tin sinh trắc học để thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.

Có thể thấy, các quy định này có điểm chung là nhằm kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản, chủ thẻ, chủ ví để đảm bảo các “ví tiền” này được mở và sử dụng bởi chính chủ, góp phần hạn chế việc tội phạm sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo, không chính chủ để mở và thực hiện giao dịch qua tài khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng. Các quy định này cũng nhằm bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của khách hàng, nâng cao trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng như của khách hàng trong việc quản lý rủi ro về thông tin cá nhân và đảm bảo an ninh, bảo mật trong quá trình sử dụng các “ví tiền” trực tuyến.

Rõ ràng khi các mối đe dọa từ tội phạm mạng và các hành vi lừa đảo ngày càng gia tăng, việc bảo vệ “ví tiền” trên không gian mạng là việc rất quan trọng. Cho dù là cá nhân hay tổ chức, việc bảo mật tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hay ví điện tử là cần thiết để tránh các trò lừa đảo và đánh cắp danh tính. Việc đối chiếu thông tin được đánh giá là phương thức đáng tin cậy và hiệu quả tạo “bức tường thành” vừa xác minh “chính chủ” vừa cung cấp một lớp bảo vệ không thể thiếu để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các hoạt động gian lận ngăn chặn việc truy cập trái phép vào tài sản, mang lại sự yên tâm cho người dùng. “Bằng cách xác minh quyền sở hữu và tính hợp pháp của tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử trên không gian mạng, “bức tường thành” này có thể giảm thiểu rõ rệt nguy cơ xâm nhập trái phép và thiệt hại tài chính cho khách hàng”, một chuyên gia công nghệ nhận định.

Những con số về vụ việc gian lận được ghi nhận trong tháng 8/2024 vừa qua đã minh chứng cho hiệu quả của chính sách đối chiếu thông tin sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến. Các chính sách mới tại Thông tư 17, 18 và 40 trên đây thể hiện sự nhất quán của NHNN trong việc triển khai áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật công nghệ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên không gian mạng. Sau ngày 1/1/2025, nếu chưa thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học hoặc điện thoại chưa có giao tiếp trường gần (NFC) thì khách hàng có thể đến thực hiện giao dịch tại quầy, được nhân viên hỗ trợ để giao dịch trực tuyến bình thường.

Tại thời điểm 1/7/2024 khi chính sách mới tại Quyết định 2345 có hiệu lực, đã xuất hiện tình trạng dịch vụ đối chiếu thông tin sinh trắc học tại một số ngân hàng bị gián đoạn do số lượng truy cập lớn. Do đó, khách hàng nên ý thức việc bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị sớm, thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học và cập nhật căn cước công dân gắn chíp trước thời điểm 1/1/2025 để tuân thủ quy định tại Thông tư 17, 18 và 40. Đồng thời cũng tránh phải chờ đợi do dịch vụ online có thể bị gián đoạn. Ngoài ra, khách hàng có thể cập nhật tự động bằng phần mềm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc liên hệ với nhân viên của tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc ra quầy để được hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo giao dịch trực tuyến của tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử của mình không bị gián đoạn.

Từ phân tích trên có thể thấy đối chiếu thông tin sinh trắc học là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác và bảo mật trong ngành ngân hàng. Hơn ai hết, khách hàng cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi tài sản của mình, đơn giản chỉ là cập nhật căn cước công dân gắn chíp và đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm trước thời điểm 1/1/2025 giúp bảo vệ tài sản của mình an toàn hơn.

 

Tác giả: nganhang

Nguồn tin: thoibaonganhang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay6,769
  • Tháng hiện tại27,243
  • Tổng lượt truy cập8,753,352
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down