Điều hành tỷ giá: Linh hoạt, hài hòa và đảm bảo các nhu cầu hợp pháp

Thứ tư - 03/04/2024 21:55 1.442 0
Điều hành tỷ giá theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao để tỷ giá có thể lên - xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra, đó là sự ổn định, sức mua đồng tiền; hài hòa trạng thái ngoại tệ và luôn duy trì được trạng thái dương, cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
 
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi về vấn đề điều hành tỷ giá - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi về vấn đề điều hành tỷ giá - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, khi được báo chí hỏi về diễn biến tỷ giá tăng vừa qua và định hướng điều hành trong thời gian tới.

Phó Thống đốc cho biết, tỷ giá trong năm 2023 có những lúc sôi động và việc điều hành tỷ giá năm 2023 cũng đã có lúc rất khó khăn vì những chính sách của thế giới đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều hoạt động giao dịch vốn với quốc tế.

Đầu năm 2024, tỷ giá cũng nóng thêm trong quý I. Đây là một trong những vấn đề mà NHNN rất quan tâm, được điều hành một cách tập trung.

Về một số lý do chính khiến tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua, Phó Thống đốc nói: Thứ nhất, Fed chưa đưa ra thông điệp về thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao. Đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và trong khu vực. Vì thế có tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng USD.

Thứ hai, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua. Vì thế đã và đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì vị thế âm - nghĩa là lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính điều này cũng là một trong áp lực làm cho tỷ giá nóng hơn.

Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài các yếu tố chính trên, cũng có một số yếu tố khác tác động đến tỷ giá.

“Tuy nhiên có thể nói rằng, chúng tôi thấy tỷ giá vẫn đảm bảo duy trì được sự ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo được các cân đối ngoại tệ, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và các nhu cầu xuất nhập khẩu. Đây là một trong những sự ổn định lớn mà chúng ta vẫn đang duy trì”, Phó Thống đốc khẳng định.

Có thể nói tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD trong so sánh với đồng tiền của các nước khác vẫn thấp. Năm 2023 mất giá khoảng 2,9%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng đã có mức tăng khoảng 2,6%. Nhưng so với các nước khác, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,74%; đồng Bath Thái Lan khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật khoảng 7,52%... Có thể thấy ngay các nước lớn, nền kinh tế lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá của đồng USD do chính sách đồng USD của Mỹ.

Mặc dù vậy, tỷ giá là một trong những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Bởi tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách kinh tế của chúng ta, đặc biệt là liên quan đến ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vấn đề về tâm lý đến thị trường, ngoại tệ và niềm tin của nhà đầu tư.

“Chính vì thế, NHNN luôn coi trọng công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra, đó là sự ổn định, sức mua đồng tiền, đảm bảo hài hòa trạng thái ngoại tệ và luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Muốn làm được điều đó thì tất nhiên phải có các công cụ. Ngoài công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung mà chúng tôi đang thực hiện thì cũng còn những yếu tố khác trong đó rất mong được các cơ quan báo chí truyền thông để làm sao tạo niềm tin cho thị trường, tránh tâm lý găm giữ. NHNN trong trường hợp cần thiết sẽ can thiệp và như vậy vẫn đảm bảo được sự ổn định.

Điều hành tỷ giá là nhiệm vụ mà Chính phủ rất quan tâm và Thủ tướng chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, NHNN cũng luôn sử dụng các công cụ một cách tích cực để đảm bảo được mục tiêu cũng như sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Lê Đỗ

Nguồn tin: Theo thoibaonganhang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,971
  • Tháng hiện tại77,917
  • Tổng lượt truy cập8,992,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down