Giúp nhiều hộ nghèo vượt khó vươn lên phát triển kinh tế

Thứ tư - 20/03/2024 22:59 921 0
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Than Uyên đã giải ngân cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tổng dư nợ giải ngân trên 122 tỷ đồng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo vượt khó, hộ khó vươn lên phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay này được xem là “bệ đỡ” giúp nông dân Than Uyên từng bước thoát nghèo.


Có trong tay nghề làm bún, phở khô từ lâu, song vì thiếu vốn nên gia đình chị Đỗ Thị Quý ở khu 10 (thị trấn Than Uyên) không thể mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Đầu tháng 12/2023, gia đình chị được cán bộ Hội Nông dân, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tư vấn vay vốn 90 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm trong thời gian 36 tháng, với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, đã mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống. Chị Quý chia sẻ: Khi được giải ngân nguồn vốn, vợ chồng tôi mua thêm máy móc (máy nghiền bột, máy tạo sợi bún, phở...), phát triển quy mô sản xuất. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình luôn chú trọng từ chọn nguyên liệu đến khâu sản xuất, nên sợi bún, phở trong, bóng, có độ dai vừa phải, ăn thơm ngon.
Hiện tại, mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình chị làm được khoảng 8 tạ - 1 tấn bún, phở khô, đợt tết vừa qua, sản xuất 3 tấn bún, phở khô, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với giá bán lẻ 30 nghìn/kg, bán buôn 25 nghìn/kg, trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình chị Quý thu lãi khoảng 20 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho 2 - 3 lao động địa phương. Chị Quý cho biết thêm: “Từ khi được vay vốn có tiền mở rộng nghề làm bún, phở khô, thu nhập của gia đình cao hơn so với thời điểm trước gấp 2 - 3 lần. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”.

 

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên thường xuyên kiểm tra, động viên các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.


Gia đình chị Đỗ Thị Hoàn cũng ở khu 10 (thị trấn Than Uyên) vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh doanh vật tư nông nghiệp. Được biết, khi mới bắt tay vào kinh doanh, gia đình chị Hoàn gặp nhiều khó khăn do vốn ít nên lượng hàng chưa đa dạng. Để tháo gỡ khó khăn, tháng 3/2021, gia đình chị vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Đồng thời, chị chủ động khảo sát nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo nguồn hàng. Các sản phẩm gia đình chị Hoàn cung ứng có uy tín trên thị trường và hỗ trợ vận chuyển nên được bà con tin dùng. Hiện nay, trung bình gia đình chị thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm từ kinh doanh phân bón; bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thời vụ.
Được biết, trên địa bàn huyện Than Uyên còn rất nhiều hộ kinh doanh, sản xuất sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Than Uyên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi đến bà con, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm. Đồng thời, đặt 12 điểm giao dịch cố định tại 100% các xã, thị trấn và thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng giao dịch tại các xã, thị trấn. Những nội dung, đối tượng vay vốn được công khai tại điểm giao dịch, do đó hoạt động tín dụng CSXH được sự ủng hộ của nhân dân.

Anh Hoàng Văn Trang - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Than Uyên cho biết: Hiện, đơn vị đang triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi cho các đối tượng. Trong đó, xác định nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm là một trong những kênh quan trọng giúp người dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai các chính sách, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Đến thời điểm này, tổng dư nợ từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là 122.042 triệu đồng, với 1.513 khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi; trồng chè, cây ăn quả; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, giải quyết công ăn, việc làm cho trên 1.500 lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn hơn 9% (năm 2023).

Cũng theo anh Trang, để nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm phát huy hiệu quả, thời gian tới Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nhận ủy thác nguồn vốn cũng như quản lý, phân bổ vốn kịp thời, hợp lý. Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm “Đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng”. Sau khi giải ngân vốn, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất Than Uyên.

 

A.H

Nguồn tin: Theo baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay3,240
  • Tháng hiện tại128,350
  • Tổng lượt truy cập8,854,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down