Bộ Công an cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo thanh toán mới

Chủ nhật - 23/06/2024 21:17 732 0
Đại diện A05 - Bộ Công an cảnh báo các đối tượng tội phạm mạng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định về bảo mật thanh toán theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, đồng thời đưa ra khuyến cáo với người dân khi tham gia giao dịch thanh toán trực tuyến.

Ngày 21/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với các TCTD trên địa bàn tổ chức Hội thảo “An toàn trong hoạt động thanh toán”.

Tại đây, ông Phạm Quốc Trình, Chi cục trưởng Chi cục Công nghệ thông tin NHNN tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản đang có xu hướng gia tăng, bao gồm các hình thức lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng cũng như các hình thức lừa đảo thông qua chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực.

Bộ Công an cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo thanh toán mới
Ông Phạm Quốc Trình, Chi cục trưởng Chi cục Công nghệ thông tin NHNN tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo

Đại diện các tổ chức thẻ quốc tế và nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đã trình bày về những mối đe dọa trong an ninh mạng hiện nay cũng như giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo giao dịch thanh toán bảo mật, an toàn cho khách hàng.

Từ phía ngành Công an, Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó trưởng phòng 4 - A05 Bộ Công an cho hay, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP); tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Bộ Công an cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo thanh toán mới
Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó trưởng phòng 4 - A05 Bộ Công an cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến

Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn lừa đảo.

Có thể kể ra một số thủ đoạn tiêu biểu như: lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông; lừa đảo thông qua đầu tư tài chính, kinh doanh đa cấp “tiền ảo, tiền kỹ thuật số”; giả mạo tin nhắn thương hiệu các ngân hàng thông qua thiết bị BTS giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tiền các khách hàng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Wechat…); lừa đảo thông qua hoạt động kêu gọi làm cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada, Tiki…

Theo ông Hùng, trong năm 2023, A05 đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu với hàng chục nghìn tài liệu nội bộ và 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. Phối hợp với công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm liên quan tội lừa đảo trên không gian mạng lợi dụng thanh toán không tiền mặt.

Bộ Công an cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo thanh toán mới
Đông đảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham gia Hội thảo về bảo mật trong thanh toán


Ông Hùng cho biết, hiện nay các ngân hàng đang khá tích cực trong việc chuẩn bị triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng từ đầu tháng 7/2024. Trong đó yêu cầu khách hàng xác thực bằng sinh trắc học đối với hạn mức giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu xác thực bằng sinh trắc học hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua điều tra phía ngành công an nhận thấy các đối tượng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định mới này. Trước tình trạng nêu trên, A05 khuyến cáo người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân khi tham gia tương tác trên môi trường mạng; thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin về các loại hình, phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng từ các nguồn tin cậy.

Bên cạnh đó cần thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch tài chính trên không gian mạng. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Cần nhận thức rất rõ các rủi ro khi tham gia đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số do hiện nay pháp luật Viêt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào. Vì vậy, người dân sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn, trả thưởng theo mô hình đa cấp và các giao dịch mua bán tiền ảo.

Ngoài ra cũng cần cập nhật, nâng cao ý thức trong việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân của mình. Không thực hiện việc chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Cài đặt bảo mật bảo vệ các tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè… trên không gian mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thạch Bình

Nguồn tin: Cập nhật, 08h10/http//thoibaonganhang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay4,938
  • Tháng hiện tại123,953
  • Tổng lượt truy cập8,850,062
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down