NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ

Thứ tư - 21/06/2023 04:58 469 0
Ngày 21/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.
 

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo

Buổi họp báo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam…

Lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã chúc mừng các phóng viên báo chí nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Bám sát nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Kết quả đạt được như sau:

Về điều hành lãi suất: Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Cụ thể: (1) Giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (2) Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; (3) Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Về điều hành tỷ giá: NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: (i) Triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; (ii) Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; (iii) Kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP. Đồng thời, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; (iv) Chỉ đạo các NHTM triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN và các NHTM đã tích cực triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương (thông qua các Hội nghị, văn bản chỉ đạo, giải đáp, hướng dẫn, thông tin, truyền thông… liên tục từ khi chính sách được ban hành tới nay). Các TCTD vẫn đang dành nguồn lực từ chính TCTD để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình dẫn đến kết quả thực hiện thấp, NHNN đã kịp thời tổng hợp, đánh giá, đề xuất kiến nghị và báo cáo Chính phủ.

Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689). Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

image

Quang cảnh buổi họp báo

Đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt

Thông tin về hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Toàn Ngành triển khai tích cực Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030. TTKDTM tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân. Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Về triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030): Ngày 02/03/2023, NHNN đã ban hành Kế hoạch năm 2023 của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Ngành Ngân hàng đã và đang tích cực xây dựng phương án, triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành Ngân hàng. Ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06, tạo tiền đề quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung cũng như chuyển đổi số ngân hàng nói riêng. Hiện, NHNN đang tích cực triển khai Kế hoạch này.

Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, điều hành linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể:

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành ngân hàng.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

CKH

Nguồn tin: sbv.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay4,954
  • Tháng hiện tại123,969
  • Tổng lượt truy cập8,850,078
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down