Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022

Thứ năm - 30/12/2021 02:50 1.390 0
Chiều ngày 29/12/2021 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị vinh dự được tiếp đón đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo kết quả hoạt động Ngân hàng năm 2021
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo kết quả hoạt động Ngân hàng năm 2021

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: đ/c Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đ/c Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đ/c Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; đ/c Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đ/c Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ; đ/c Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đ/c Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đ/c Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương… cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Trung ương và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các đoàn Đại biểu Quốc hội.

Về phía ngành Ngân hàng có Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN và các đ/c Phó Thống đốc NHNN, đại diện Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; Ban Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng; Thủ trưởng các đơn vị tại Trụ sở chính NHNN, đơn vị sự nghiệp; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Giám đốc các đơn vị trực thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; cùng các điểm cầu tại 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước có sự tham dự của Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, đại diện một số ban, ngành của địa phương…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là năm đầu tiên đất nước bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời cập nhật tình hình, đề ra chủ trương, đường lối, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chưa từng có tiền lệ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn trong kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2021 mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 … Nhưng năm 2021 cũng là một năm rất đặc biệt khi kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam, vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu quan trọng động viên các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng. Vì vậy, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao.

image

Quang cảnh Hội nghị

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2021, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay.

NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát để góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, lạm phát năm 2021 được kiểm soát dưới mục tiêu 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất từ năm 2016. Lạm phát cơ bản cũng ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của người dân, thu hút nguồn vốn FDI, là một trong các cơ sở để Việt Nam được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức lên tích cực.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. NHNN đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, thực hiện tốt giảm lãi suất cho vay, kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, các chương trình tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020; 4 trên 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các NHTW giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Năm 2021, NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ các TCTD trong việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động, khắc phục các tồn tại, yếu kém; kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình triển khai thực hiện phương án.

Đặc biệt, chuyển đổi số là hướng đi chiến lược nhằm cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Do vậy, trong năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động; hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

image

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghi

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ về công tác phối hợp với NHNN thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính luôn là một trong những giải pháp quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân. Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ nông nghiệp là một trong năm lĩnh vực được ngân hàng chọn cho vay ưu tiên. Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế-xã hội trong đó có ngành Nông nghiệp, các TCTD đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và bà con nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo, chính sách của NHNN. Đồng thời, một số các TCTD đã xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng, mang lại hiệu quả cao, nhiều chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đã phát huy hiệu quả như chương trình phát triển nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch, nhiều chương trình cho vay tín dụng được ưu tiên giảm lãi suất như: vay phục vụ hoạt động kinh doanh, mua sắm thiết bị, máy móc thiết bị nông nghiệp, … vay theo hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn, vay ưu tiên lãi suất đối với hộ nghèo, trồng cây cà phê, nuôi trồng thủy sản xây dựng nông thôn mới…

Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN tiếp tục ban hành những chính sách để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho những khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng khu vực kinh tế nông nghiệp. Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, NHNN đang có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Nhiều TCTD đã có chương trình riêng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân trong đó có khu vực nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng đã tập trung nguồn vốn, xem xét hạn mức tín dụng trên địa bàn khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thu mua tạm trữ vụ hè thu vừa qua…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong năm 2021 đầy khó khăn, thách thức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của NHNN. Nếu nông nghiệp trong thời gian qua được xem là trụ đỡ thì hệ thống ngân hàng và các TCTD chính là những chất phụ gia đặc biệt, gia cố cho trụ đỡ đó thêm vững chắc. Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đạt hiệu quả cao thì sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng sẽ là một giải pháp cực kì quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển hệ nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh…

Trình bày tham luận tại Hội nghị, theo ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), những kết quả và thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có ý nghĩa rất lớn khi tình hình trong nước và quốc tế thường xuyên biến động và khó đoán định. Đặc biệt, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh, NHNN đã có phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, ban hành và chỉ đạo quyết liệt các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống. BIDV nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Ngân hàng, xây dựng chương trình hành động triển khai tốt nhất chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2022.

Còn đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, quá trình tái cơ cấu tại Sacombank đã đạt được những kết quả tích cực và dự kiến sẽ sớm hoàn tất so với lộ trình đã đề ra. Để đạt được những thành quả nêu trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu và tinh thần trách nhiệm của tập thể Ngân hàng, đặc biệt có sự chỉ đạo, hỗ trợ xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các cơ quan ban ngành, dự kiến Sacombank có thể hoàn thành việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.

image

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua ngành Ngân hàng năm 2022

Cũng tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua ngành Ngân hàng năm 2022.

Kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị toàn Ngành quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế; Quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém; Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số…

Nguồn tin: Cập nhật 14:50 thứ Năm ngày 30/12/2021/https://sbv.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay6,962
  • Tháng hiện tại253,729
  • Tổng lượt truy cập8,663,012
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down