Quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm

Thứ tư - 21/02/2024 04:56 1.515 0
Ngày 20/2 NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, thách thức của năm 2023, toàn ngành Ngân hàng đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cơ bản đạt được những thành tựu quan trọng được Đảng, Chính phủ, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tạo điều kiện thuận lợi cho vốn vào nền kinh tế

Cụ thể, ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt, điều hành chính sách tiền tệ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngành Ngân hàng cũng tiên phong chuyển đổi số, đa dạng các dịch vụ, sản phẩm phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện, tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Các TCTD sửa đổi; về hoạt động ngoại giao cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Theo Thống đốc, trong năm 2024, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú
chủ trì hội nghị

Theo Thống đốc, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Cụ thể, NHNN đã khẩn trương ban hành Chỉ thị 01, 02/CT-NHNN, Quyết định số 83/QĐ-NHNN về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024 đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động cụ thể cho toàn hệ thống, nhất là về công tác tín dụng nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.

Báo cáo cụ thể hơn, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2024 trên cơ sở mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đặt ra (tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5%), NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ngày 7/2/2024, NHNN tiếp tục ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng giảm (0,6%) trong tháng 1/2024 là do sức hấp thụ vốn kém và tính mùa vụ. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Thứ hai là do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại. “Tăng trưởng tín dụng thấp là do nhiều yếu tố như vậy chứ không phải do cơ chế chính sách”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo các NHTM cũng cho rằng, việc tín dụng giảm trong tháng đầu năm là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện nay và kỳ vọng dư nợ cải thiện trong thời gian tới khi tình hình kinh tế dần hồi phục. Ngoài nguyên nhân do kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng gặp khó bởi vấn đề pháp lý của nhiều dự án bất động sản chưa được tháo gỡ.

Tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục chính sách lãi suất cho vay thấp so với thị trường, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rà soát các quy trình tín dụng, đơn giản hoá các quy trình cho vay… Đồng thời, tiếp tục tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, để các giải pháp của ngân hàng đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị NHNN tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định, đồng thời hỗ trợ các TCTD trong việc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản để các dự án nhanh chóng được triển khai.

Ngân hàng chủ động đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng
Ngân hàng chủ động đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng

Các đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, song cần phải khẳng định rằng, tín dụng là nguồn vốn bổ sung, không phải vốn chủ lực của doanh nghiệp, nguồn vốn trung dài hạn cần phải dựa vào thị trường vốn. Lãnh đạo các ngân hàng đề nghị Chính phủ cần có thêm những chính sách nhằm kích cầu; Đồng thời, các địa phương tích hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp. Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Chỉ một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện vay.

Quan điểm của NHNN là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các NHTM lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích, NHNN sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý thêm các NHTM tuy không thắt chặt nhưng cũng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo hai yếu tố trên. Điều này đòi hỏi sự năng động, quyết đoán, tìm hiểu, chia sẻ của các ngân hàng. “Năm nay NHNN sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng. Đảm bảo tín dụng hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi”, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Về đề nghị của các ngân hàng tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Phó Thống đốc cho biết, NHNN nhất trí sẽ kéo dài Thông tư này, tuy nhiên thời gian kéo dài bao lâu sẽ có những đánh giá thêm và dự kiến ban hành ngay trong quý I/2024.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.

Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và dễ dàng tiếp cận.

Đối với một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Trong lĩnh vực bất động sản, tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp. Kịp thời cung ứng vốn cho những dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động… Song song với đó, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố.

Với lĩnh vực BOT, BT giao thông, ngân hàng cần tiếp tục theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với các dự án cũ, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các dự án này. Đối với các dự án mới, ngân hàng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Các nhà băng cũng cần nâng cao trách nhiệm thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hiệu quả; tăng cường đồng tài trợ đối với các dự án lớn, trọng điểm để tăng cường khả năng cung ứng vốn, chất lượng tín dụng… Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030…

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc đề nghị đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 01, Chỉ thị 02, Quyết định 83/QĐ-NHNN về Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024. Theo dõi nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của địa phương để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp.

Quỳnh Trang

Nguồn tin: Cập nhật 17:08 thứ Tư ngày 21/02/2024/thoibaonganhang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay6,150
  • Tháng hiện tại26,624
  • Tổng lượt truy cập8,752,733
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down