Xu hướng giảm lãi suất vẫn là chủ đạo

Thứ ba - 05/03/2024 21:40 1.687 0
Kể từ sau Tết Nguyên đán, trên thị trường tiền tệ, lãi suất huy động diễn biến trái chiều. Bên cạnh nhiều ngân hàng giảm lãi suất thì một số ngân hàng rục rịch tăng nhẹ. Chẳng hạn như, Sacombank vừa nâng lãi suất kỳ hạn 3 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên mức 2,7%/năm, trong khi BVBank tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 24 tháng và 36 tháng thêm lần lượt 0,1 và 0,2 điểm phần trăm lên mức 5,7%/năm và 5,9%/năm.
 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc một số ngân hàng tăng lãi suất để hút tiền gửi cũng là hoạt động thường thấy trong dịp đầu năm, nhất là với năm nay, các NHTM đã được giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm. Do đó, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu vay vốn sắp tới cũng là dễ hiểu.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình kinh doanh của các ngân hàng, đôi khi một vài sự thay đổi về lãi suất huy động để thu hút tiền gửi với một số kỳ hạn là cần phải có. Điều quan trọng là NHNN luôn linh hoạt trong việc điều hành, với thực tế chưa thấy có sự căng thẳng tiền tệ nào diễn ra. Ghi nhận trên thực tế, số lượng các ngân hàng tăng lãi suất chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số ngân hàng giảm lãi suất.

CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, điều này không đáng quan ngại và thanh khoản hệ thống có thể trở lại trạng thái bình thường trong tháng 3/2024 dựa trên các cơ sở: lãi suất cho vay qua đêm đang giảm trở lại; quy mô bơm thanh khoản của NHNN là thấp, xét ở cả khối lượng và số thành viên tham gia cầm cố trên thị trường mở; biến động lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dài hơn không có sự đột biến. Mặt khác, trong tháng 2/2024, xu hướng giảm lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng vẫn tiếp diễn, phổ biến ở khối NHTMCP tư nhân với mức giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm/năm.

Thống kê trên thị trường từ đầu tháng 2 đến ngày 29/2/2024, đã có 23 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Không chỉ 1 lần, có ngân hàng giảm lãi suất huy động 2-3 lần, thậm chí lên tới 4 lần. Riêng trong tuần qua, các ngân hàng dồn dập giảm lãi suất. Ngày 29/2, HDBank đã giảm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn với mức giảm chung 0,2 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên trong tháng 2 HDBank giảm lãi suất, nhưng là lần thứ tư kể từ đầu năm 2024. Biểu lãi suất huy động trực tuyến mới của HDBank cho thấy, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-5 tháng chỉ còn 2,95%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4,6%/năm…

Xu hướng giảm lãi suất vẫn là chủ đạo

Trước đó ngày 28/2, SHB giảm lần lượt 0,5 và 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 và 2 tháng, xuống còn 2,6%/năm và 2,7%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 3%/năm. Trước đó, ngày 27/2, VPBank đã giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn tiền gửi - lần đầu tiên trong tháng nhà băng này giảm lãi suất huy động sau khi đã có 3 lần điều chỉnh giảm trong tháng 1/2024…

Từ diễn biến thị trường cho thấy, việc tăng lãi suất chỉ diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng, một số kỳ hạn. Mức tăng lãi suất cũng tương đối nhỏ, dưới 0,2 điểm phần trăm/năm. Còn xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn đang là chủ đạo. Việc tiếp tục thiết lập mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý để sớm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở góc độ cơ quan điều hành, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên ít nhất trong nửa đầu năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Song song với điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, NHNN luôn khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp có thể tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay. Với lãi suất điều hành được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay cũng được kỳ vọng ở mức hợp lý để doanh nghiệp, người dân yên tâm làm ăn, giúp nền kinh tế phục hồi.

Song, giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần. Gốc rễ của vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng là phải cải thiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng cần có sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ đến toàn bộ hệ thống chính trị, để qua đó giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng... Bản thân các doanh nghiệp cũng phải minh bạch tài chính mới tăng được khả năng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Cập nhật 09:40 thứ Tư ngày 06/03/2024/thoibaonganhang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay4,939
  • Tháng hiện tại45,561
  • Tổng lượt truy cập8,959,755
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down