Ngành Ngân hàng Lai Châu nỗ lực góp phần hạn chế "tín dụng đen" trên địa bàn

Thứ hai - 25/01/2021 03:18 790 0
Bản tin thời sự tối ngày 19/01/2021, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu đã phát sóng phóng sự tuyên truyền về kết quả thực hiện các giải pháp của ngành Ngân hàng Lai Châu góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Trang Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu đăng tải nội dung trả lời phỏng vấn của ông Đào Công Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu về nội dung này như sau:
- PV: Thưa ông, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã có những giải pháp gì để cùng chung tay phòng chống, ngăn chặn, hạn chế nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến thời điểm này ra sao?
- Ông Đào Công Giang: Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc, Kế hoạch số 1371/KH-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 514/KH-LCH ngày 15/8/2019 về phòng ngừa, đấu tranh chống “tín dụng đen” trong ngành Ngân hàng Lai Châu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết cho từng đơn vị có liên quan trong ngành Ngân hàng trên địa bàn để triển khai thực hiện; tiếp đó ngày 20/11/2020, Giám đốc Chi nhánh đã ký ban hành Công văn số 951/LCH-TTGS để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “tín dụng đen”. Kết quả thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, quán triệt đến 100% công chức, người lao động ngành Ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh không tham gia, đồng thời vận động người thân, bạn bè không tham gia hoạt động “tín dụng đen”.

Thứ hai, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các chương trình cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ ba, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh, gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng để thực hiện các nghiệp vụ như cho vay, thu nợ, mở tài khoản, huy động tiết kiệm, ...

Kết quả đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay đối với các tổ chức kinh tế, cá nhân trên địa bàn đạt 13.070 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh), tăng 4,89% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 7.861 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 2.327 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt 3.452 tỷ đồng, chiếm 32,0% tổng dư nợ cho vay của Khối các chi nhánh Ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, trước bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kết quả đến cuối tháng 12/2020: (i) Thực hiện miễm, giảm lãi vay cho 399 khách hàng, dư nợ miễn giảm lãi vay là 634.648 triệu đồng, số tiền lãi được miễn, giám 909 triệu đồng; (ii) Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 107 khách hàng, với dư nợ là 316.853 triệu đồng; (iii) Thực hiện cho vay mới lãi suất ưu đãi (lãi suất giảm từ 0,5%-2% so với thời điểm trước khi có dịch) cho 404 khách hàng, doanh số cho vay mới: 1.121.360 triệu đồng.

Thứ tư, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn huy động tại địa phương, nhất là nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, thực hiện chính sách khách hàng, nâng cao phong cách giao dịch,… nhờ đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nguồn vốn huy động tại địa phương luôn đạt kế hoạch đề ra, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng tín dụng. Kết quả, huy động vốn tại địa phương trên địa bàn đến cuối năm 2020 đạt 7.621 tỷ đồng, tăng 12,55% so với cuối năm 2019.

Thứ năm, toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, thanh toán, mở tài khoản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiến cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”:

Thứ sáu, chú trọng thực hiện tốt công tác cấp phép, mở rộng mạng lưới của các điểm giao dịch ngân hàng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình tại địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; phát hiện các hạn chế, sai phạm và kịp thời đưa ra các kiến nghị, cảnh báo; thực hiện xử lý vi phạm.

 Với các giải pháp,  nỗ lực nêu trên của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua, vốn tín dụng cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế; khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng của người dân, doanh nghiệp cơ bản đã được cải thiện; góp phần tích cực vào việc hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

- PV: Với Lai Châu, quá trình triển khai thực hiện phòng chống, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” ngành ngân hàng đã gặp phải khó khăn gì thưa ông?

- Ông Đào Công Giang: Mặc dù ngành Ngân hàng vẫn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đã nêu ở trên nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên quá trình triển khai các sản phẩm tín dụng, các dịch vụ ngân hàng vẫn gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất, một bộ phận khách hàng còn thiếu năng lực tổ chức sản xuất, thiếu tài sản bảo đảm, các nhu cầu vay vốn cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng gặp khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không đảm bảo.

Thứ hai, về điều kiện tự nhiên của tỉnh ta là địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, sống phân tán nên ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên tuyền, phổ biến cơ chế, chính sách và việc triển khai các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng đến với người dân.

Thứ ba, mặc dù các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên, một số người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp hoặc có tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Thứ tư, một số người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các nguồn cung ứng vốn chính thức.

Thứ năm, các thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, hoạt động ngầm, có nhiều chiêu trò lôi kéo, khai thác vào điểm yếu của người dân, trong khi trình độ dân trí về tài chính của người dân trên địa bàn còn thấp, do thiếu hiểu biết nên dễ dàng ký vào các hợp đồng vay “tín dụng đen” với lãi suất cao.

- PV: Để thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn nạn “tín dụng đen”, đâu là những giải pháp trọng tâm được ngành ngân hàng triển khai thực hiện trong thời gian tới?

- Ông Đào Công Giang: Như chúng ta đã biết, vấn nạn “tín dụng đen” đã gây ra nhiều hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực kinh tế, trật tự an ninh xã hội, đẩy không ít gia đình vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất. Để tiếp tục góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó các cấp, các ngành, cơ quan chức năng cần chú trọng triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho hoạt động “tín dụng đen”. Đi cùng với đó, các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; đồng thời cần đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; ... khi đó “tín dụng đen” sẽ không có cơ hội để hoạt động.
Về phía ngành Ngân hàng, để góp phần hạn chế “tín dụng đen”, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ tại Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc và Kế hoạch số 1371/KH-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh; các giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 514/KH-LCH ngày 15/8/2019 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1063/KH-UBND ngày 28/5/2020 về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm giúp người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện, an toàn và với chi phí hợp lý.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
https://www.sbv.gov.vn/
https://cic.org.vn/
https://thoibaonganhang.vn
Hệ thống các tổ chức tín dụng
http://vnubw.org.vn/
http://vandongxahoi.mattran.org.vn/
Chuyển đổi số cho người dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Zalo Bộ Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,473
  • Tháng hiện tại79,419
  • Tổng lượt truy cập8,993,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down